Các lỗi thường gặp này vừa khiến gia chủ tốn thêm tiền điện vừa làm xấu không gian và giảm chất lượng sống.
Quên mất ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng mặt trời luôn miễn phí và được coi là loại đèn tốt nhất nên việc tận dụng tối đa ánh sáng mặt trời cho các phòng luôn được khuyến khích. Tuy vậy, không ít người quên mất điều đó khi xây nhà, ngăn chia phòng kín mít, không có cửa sổ, sân vườn, giếng trời… để cuối cùng phải thắp đèn giữa ban ngày.
Dùng quá nhiều đèn với công suất lớn hơn nhu cầu
Người Việt làm nhà có rất nhiều nỗi sợ, một trong số đó là sợ tối nên thường yêu cầu người thiết kế hoặc lắp đặt đèn dùng thật nhiều đèn, thậm chí vượt quá nhu cầu cần thiết của một căn phòng. Điều này lại dẫn đến tác hại gây căng thẳng thần kinh cho người sống trong môi trường thừa ánh sáng.
Chúng ta có thể tìm hiểu về quang thông, độ rọi, cách tính toán và công thức để xác định độ sáng cần thiết cho một căn phòng dựa trên diện tích cùng với số lượng đèn cho phù hợp với từng nhu cầu sử dụng. Nếu không, tốt nhất nên để việc này cho những người có chuyên môn tính toán và tư vấn.
Chỉ dùng đèn gắn trần
Rất nhiều người chỉ quan tâm đến việc gắn đèn lên trần nhà và nghĩ rằng như vậy đủ cung cấp ánh sáng cho cả phòng. Nhưng thực tế còn rất nhiều các loại đèn khác cũng rất hữu ích và có thể sử dụng tùy vị trí và sở thích. Ví dụ như đèn bàn, đèn cây, đèn gắn tường, đèn âm tường, đèn hắt khe, đèn gắn trong tủ…
Dùng loại đèn gây chói mắt
Các loại đèn trần không có chóa chống chói thường có giá rẻ và rất sẵn trên thị trường được nhiều người mua và sử dụng. Ánh sáng phát ra từ đèn hướng thẳng vào mắt người gây hiện tượng lóa rất khó chịu. Tương tự như vậy, đèn tuýp, đèn bulb thường được lắp nổi, nếu không được lắp thêm chóa chống chối cũng gây khó chịu cho mắt.
Dùng đèn trang trí thay cho đèn chiếu sáng kiến trúc
Đèn trang trí là đèn có công dụng như một đồ vật trang trí trong nhà có thể phát sáng, nhiệm vụ của đèn trang trí chủ yếu là để làm đẹp. Trong khi đó đèn chiếu sáng kiến trúc có nhiệm vụ chiếu sáng theo công năng và tạo bầu không khí cho nội thất. Tuy nhiên cũng có nhiều loại đèn vừa có khả năng chiếu sáng theo đúng nhiệm vụ của nó lại vừa có kiểu dáng đẹp nhưng sai lầm phổ biến là dùng loại đèn trang trí vào chỗ của đèn chiếu sáng kiến trúc gây bất cập như thiếu sáng, chói mắt.
Không quan tâm đến màu sắc của các bức tường, sàn và đồ đạc trong phòng
Ánh sáng phát ra từ nguồn đèn, phản xạ qua các vật thể rồi mới vào mắt của con người. Từ đó chúng ta mới cảm nhận được độ sáng, màu sắc của mọi thứ xung quanh. Với vật thể có màu trắng, ánh sáng phản xạ 100%, ngược lại màu đen hấp thụ toàn bộ ánh sáng. Vì vậy, những căn phòng có sàn, trần, tường và nội thất có màu tối thường cần nhiều đèn hơn các phòng có nhiều màu sáng.
Loại bỏ công tắc điều chỉnh độ sáng
Có nhiều loại đèn có thể điều chỉnh được độ sáng thông qua công tắc chiết áp (Dimmer). Đây là một thiết bị rất hữu dụng nếu chúng ta cần điều chỉnh độ sáng của đèn theo nhu cầu. Nhưng thực tế, rất ít người quan tâm đến điều này và chỉ sử dụng công tắc bật tắt nên sẽ có ít lựa chọn điều tiết ánh sáng của cả phòng cũng như của từng cái đèn.
Quên mất bóng đổ từ đèn
Một ngọn đèn phát sáng luôn tạo ra bóng tối phía sau vật thể được chiếu sáng. Nếu lắp đèn phía sau lưng người ngồi bàn học thì bóng tối của người đó sẽ hắt thẳng vào mặt bàn. Tương tự như vậy là đèn chiếu trên chậu rửa mặt sẽ tạo bóng tối cho khuôn mặt của bạn khi nhìn vào gương. Có rất nhiều trường hợp do vô tình khi lắp đặt đèn tạo nên các vệt tối mất thẩm mỹ như đèn trần quá sát với nóc tủ, điều hòa…
Không chia lộ đèn theo từng khu vực
Một căn phòng nếu có nhiều đèn trên trần thì rất cần thiết chia công tắc điều khiển theo từng cụm. Không nên dùng một công tắc bật tất cả các đèn vì vừa không tiết kiệm điện, vừa ít lựa chọn bật tắt theo nhu cầu. Việc bố trí công tắc bật tắt theo lộ cũng cần được thiết kế một cách khoa học để thuận tiện cho người sử dụng. Trong trường hợp cần thiết, sử dụng hệ thống điện thông minh để điều khiển các chế độ chiếu sáng của là một giải pháp thú vị.